“Chiếc loa” Lê Thị Công Nhân

Về làm việc tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân (của Nguyễn Văn Đài) năm 2004, Lê Thị Công Nhân nhanh chóng đi theo con đường tối của Đài, chống phá Nhà nước CHXHCN VN. Kết cục, Nhân bị bắt tạm giam cùng ngày với Đài (6-3-2007), chờ ngày ra trước vành móng ngựa

Cũng như “sếp” trực tiếp của mình tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân được ăn học tử tế. Với tấm bằng luật sư hệ chính quy cùng vốn liếng tiếng Anh kha khá, cánh cửa tương lai mở rộng khi Nhân vào đời. Nhưng chính Nhân lại tự tay đóng chặt cánh cửa tương lai của mình khi cam tâm làm “chiếc loa” cho những thế lực phản động, khoác lên mình cái tên rất kêu: “lực lượng dân chủ” ở VN.

Ngã rẽ tối màu

Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979, có hoàn cảnh khá éo le. Mới lên 2 tuổi, ba mẹ Nhân ly dị, hai mẹ con Nhân được che chở bởi đôi bàn tay của một người đàn ông độ lượng. Người đàn ông đó là vị giáo sư họ Nguyễn danh tiếng của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thế nên mới có chuyện Nhân quê quán tại Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại phòng 48, nhà 7, khu tập thể Văn phòng Chính phủ, phường Phương Mai (Hà Nội), căn hộ mà Nhà nước cấp cho giáo sư họ Nguyễn.

Từ Gò Công Tây ra thủ đô sinh sống với vị giáo sư đáng kính, cô học trò nhỏ nhắn, trắng trẻo Lê Thị Công Nhân lần lượt dễ dàng vượt qua hết bậc tiểu học đến THCS và THPT, rồi bước chân vào ĐH Luật Hà Nội. Sau vài năm dùi mài kinh sử trên giảng đường ĐH luật, Nhân học tiếp thời gian nữa để nắm chắc trong tay tấm bằng luật sư hằng mơ ước vào năm 2003. Với khiếu viết lách và ngoại ngữ (tiếng Anh), Nhân kiếm được ngay chân thư ký quan hệ quốc tế của Đoàn Luật sư Hà Nội. Ngã rẽ màu tối bắt đầu đến với Lê Thị Công Nhân từ đây.

Là thư ký quan hệ quốc tế của Đoàn Luật sư Hà Nội, Nhân có dịp tiếp xúc với các phóng viên quốc tế, nhân viên sứ quán nước ngoài tại Hà Nội. Chẳng biết Nhân nói năng gì mà các vị khách thiếu thiện chí đã “ngửi thấy thiên hướng chính trị” của cô luật sư trẻ. Họ nhanh chóng “giới thiệu” Nhân với Đài – lúc này tiếng tăm đã khá nổi trong “lực lượng dân chủ” ở VN.

Ngưu tầm ngưu

Lê Thị Công Nhân “bập” vào Nguyễn Văn Đài rất nhanh. Về làm nhân viên Văn phòng Luật sư Thiên Ân năm 2004, Nhân nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực của Đài. Khiếu ăn nói, viết lách của cô luật sư trẻ đã được Đài tận dụng triệt để khi giao cho Nhân “trách nhiệm” chính biên soạn những tài liệu có nội dung xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở VN, cung cấp cho bọn phản động lưu vong người Việt và các thế lực thù địch ở bên ngoài sử dụng vào các mục đích tuyên truyền chống phá Nhà nước VN. Hàng loạt bài viết, trả lời phỏng vấn mà nội dung xuyên suốt là xuyên tạc, bịa đặt và vu cáo tình hình dân chủ và nhân quyền ở VN như “Khía cạnh pháp lý về đình công và yêu cầu có hệ thống công đoàn độc lập tại VN”, “Sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 31/CP ngày 14-4-1997”, “Bài trả lời phỏng vấn và đối thoại” nhằm vu cáo Chỉ thị 37/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… đã được Nhân phát tán trên các trang web hay đài phản động bên ngoài. Có nghe Nhân trả lời phỏng vấn trên đài, báo của bọn phản động lưu vong người Việt và nước ngoài như “Chân trời mới”, “Tiếng nước tôi”, “Đối thoại”, RFA… mới thấy hết sự lộng ngôn. Chưa đầy 30 tuổi và rời ghế nhà trường chưa lâu mà Nhân cứ đứng lên hô hào rằng “tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XII”, “VN đàn áp những người bất đồng chính kiến”, “ngày toàn dân mặc áo trắng ủng hộ dân chủ”… Thậm chí Nhân còn thề thốt “chiến đấu tới cùng, không bao giờ đầu hàng, thỏa hiệp với cộng sản”.

Với sự hung hăng tới mức cuồng tín khó tưởng tượng trên, không ai lấy làm lạ khi Lê Thị Công Nhân là một trong những người đầu tiên ký tên ủng hộ cái gọi là “Tuyên ngôn tự do dân chủ cho VN 2006” và tham gia “Khối 8406” do Nguyễn Văn Lý (đối tượng phản động lợi dụng Thiên Chúa giáo ở Huế vừa bị xử 8 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN”) chủ trò. Nhân cũng xăng xái tham gia ngay cái gọi là “Đảng thăng tiến VN” do Nguyễn Văn Lý vẽ ra và xung phong làm “Người phát ngôn của đảng”. Ngoài ra, Lê Thị Công Nhân còn tìm cách tham gia tổ chức gọi là “Liên minh dân chủ nhân quyền VN” do bọn phản động lưu vong người Việt và các phần tử chống đối lập ra trên… Internet! Từ đó, nhất cử nhất động của Nhân đều tuân theo sự giật dây của bọn phản động lưu vong nước ngoài là “Đảng Việt Tân” và nhóm “Đàn Chim Việt” cùng Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Đài ở trong nước.

Kết cục tất yếu

Từ đầu tháng 12-2006 đến tháng 2-2007, Lê Thị Công Nhân dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Đài đã lôi kéo một số thanh niên, sinh viên, trí thức và số người khiếu kiện nhiều lần tụ tập tại Văn phòng Luật sư Thiên Ân để tuyên truyền giá trị của “tự do, dân chủ, nhân quyền” theo “khẩu vị phương Tây”. Cũng tại đây, Nhân cùng Đài nhồi nhét cho các bạn trẻ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo Nhà nước đàn áp dân chủ, nhân quyền… để rồi kích động tư tưởng chống đối nhằm thực hiện toan tính “gây men dân chủ” cho “chế độ đa nguyên chính trị” ở VN của bọn phản động lưu vong.

Tất cả những hoạt động vi phạm luật pháp của Nhân cũng như Đài đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt quả tang. Ngày 4-2-2007, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội đã khám xét khẩn cấp nhà riêng của Lê Thị Công Nhân, thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện hoạt động phạm tội. Những sinh viên bị dụ dỗ tham gia “lớp học” đã tự viết đơn cáo giác hoạt động phạm pháp của Nhân và Đài.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu được, ngày 2-3 vừa qua, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Ngày 6-3, Nhân đã bị bắt tạm giam để chờ ngày ra tòa nhận hình phạt nghiêm minh của pháp luật.

Nói bậy ăn tiền

Lê Thị Công Nhân chẳng hề chịu thiệt thòi, kham khổ chút nào khi “dấn thân” làm “nhà đấu tranh cho dân chủ” như thế lực thù địch tán dương. Không làm ăn gì với nghề nghiệp của mình, Nhân vẫn sống sung túc nhờ những đồng ngoại tệ mạnh từ nước ngoài. Chưa kể Đài trả công, Nhân đã nhận được tới 2.300 USD, 300 đô-la Úc, 200 euro… cùng nhiều thuốc men hoặc có lần Nhân đã nhận được hẳn 1.500 USD để chuẩn bị cho một chuyến công cán nước ngoài nhằm xuyên tạc tình hình công nhân lao động trong nước.

Phan Đăng

Bộ mặt thật của các “nhà dân chủ”

 Sau một thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 2-3-2007, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự. Ngày 6-3-2007, Cơ quan An ninh đã ra lệnh bắt, tạm giam đối với Nguyễn Văn Đài, nguyên trưởng văn phòng luật sư Thiên Ân, nguyên giám đốc Công ty TNHH tư vấn Luật Việt và Lê Thị Công Nhân, nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân, có trụ sở tại số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Báo Quân đội nhândân cung cấp một số thông tin để bạn đọc nhận rõ bộ mặt thật của Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân cùng đồng bọn lợi dụng tự do, dân chủ, tôn giáo tổ chức các hoạt động chống phá nhà nước ta.

Kẻ chủ mưu đội lốt “nhà lý luận”

Đội lốt là “nhà lý luận” của cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam”, Nguyễn Văn Đài đã viết một loạt bài với nhan đề: “Quyền tự do thành lập đảng”, “Dân trí và dân chủ”, “Xã hội dân sự ở Việt Nam”… đăng trên trang web của một số phương tiện thông tin phương Tây. Mục đích để Đài chuẩn bị dư luận và thông qua đó, móc nối với một số tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài nhằm thực hiện ý đồ hình thành và công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam. Đặc biệt, Đài còn là người trực tiếp soạn thảo điều lệ của cái gọi là “đảng dân chủ 21″ gồm 3 chương, 10 điều với nội dung hết sức sơ sài và khá nực cười. Ví dụ, tại “điều 4” của “điều lệ” trên, Đài viết: “Bất kỳ ai có đủ độ tuổi (15 tuổi trở lên), thừa nhận cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng thì tự tuyên thệ là đảng viên đảng dân chủ. Nếu sinh hoạt một mình thì tự ký thẻ đảng”. Hoặc ở “điều 5″ Đài viết: “Khi đảng viên cao tuổi, sức yếu không còn thừa nhận cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng thì tự tuyên bố ra khỏi đảng…”. Những nội dung trên cho thấy sự “ra, vào” cái gọi là “đảng dân chủ 21” của Đài còn dễ hơn ra vào một… cái chợ. Đặc biệt, theo những điều mà Đài liệt kê trong cái gọi là “Điều lệ đảng dân chủ 21″, Đài không hề giấu giếm ý đồ muốn giành chính quyền ở Việt Nam khi tính đến khả năng “đảng dân chủ 21” giành thắng lợi trong cuộc bầu cử toàn quốc, chủ tịch đảng sẽ là người đứng đầu chính phủ, hoặc chủ tịch đảng là ứng cử viên đương nhiên và duy nhất của cái gọi là “đảng dân chủ 21″ trong cuộc bầu cử toàn quốc để lựa chọn ra người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Như vậy, với cái mác là “nhà lý luận”, Nguyễn Văn Đài đã lộ rõ là kẻ lợi dụng quyền dân chủ để thực hiện mưu đồ chính trị của cá nhân.

Các bị cáo Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa phúc thẩm

Nguyễn Văn Đài, sinh ngày 6-5-1969, quê ở Dạ Trạch, Châu Giang (nay là huyện Khoái Châu), Hưng Yên, trú tại phòng 302, Z8, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đài được bố mẹ nuôi cho ăn học và thừa hưởng nhiều ưu đãi của cơ quan nơi bố đẻ công tác, được ưu tiên cho đi đào tạo nghề ở nước ngoài. Sau khi về nước, Đài lại được cơ quan của bố tạo điều kiện thuận lợi để theo học đại học Luật. Đáp lại sự ưu ái và kỳ vọng của không ít người trong gia đình và tập thể, Đài “đền ơn” bằng cách sử dụng những kiến thức đã học, núp bóng dưới danh nghĩa luật sư và công ty hỗ trợ pháp lý để lôi kéo, tụ tập, móc nối với các phần tử phản động trong và ngoài nước, tiến hành nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.

Không chỉ lợi dụng quyền tự do ngôn luận mà pháp luật Nhà nước ta cho phép để thực hiện mưu đồ chính trị của mình, Đài còn liên hệ với Hoàng Minh Chính, thống nhất kế hoạch tuyên bố khôi phục hoạt động cái gọi là “đảng dân chủ 21″ và vận động một số phần tử bất mãn trong nước tham gia. Đài còn là người chủ trò trong việc liên hệ và bố trí cho Trần Khuê với danh nghĩa là “phó tổng thư ký đảng dân chủ 21″ lén lút gặp một số nhân viên ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội để tuyên bố công khai tổ chức này trong nước vào ngày 30-5-2006. Không chỉ “tích cực” lôi kéo các phần tử bất mãn trong nước tham gia cái gọi là “đảng dân chủ 21″, Đài còn cấu kết với Trần Ngọc Thành là “phân bộ trưởng tập hợp dân chủ đa nguyên” và chủ bút báo “Đàn chim Việt” ở nước ngoài thành lập tổ chức có tên là: “Công đoàn độc lập Việt Nam”. Để thực hiện ý đồ này, ngày 20-9-2006, Đài cử Trần Văn Hoà ở Quảng Ninh đi nước ngoài trực tiếp gặp Trần Ngọc Thành để bàn bạc việc thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” ở trong nước, đồng thời hứa trả 1000USD/tháng cho Hoà nếu tham gia tổ chức này. Tuy nhiên sau khi bị bắt, nhận thấy âm mưu đen tối của Đài, Trần Văn Hoà đã tỏ rõ thái độ ăn năn. Hoà khai nhận: “… việc thành lập “công đoàn” là trái pháp luật Việt Nam, việc đi nước ngoài để gặp Trần Ngọc Thành là vô tình tiếp tay cho những hành động sai trái không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam…”. Do không thực hiện được ý đồ cử Trần Văn Hoà đi nước ngoài để gặp Trần Ngọc Thành, ngày 26-10-2006, Đài lại có ý định cử Lê Thị Công Nhân ra nước ngoài để công khai hoá tổ chức cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam”, đồng thời phối hợp với Thành vận động các công đoàn trên thế giới thành lập tổ chức “Ủy ban yểm trợ công đoàn độc lập Việt Nam” từ bên ngoài.

Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đài đã thống nhất với Trần Ngọc Thành để Nguyễn Khắc Toàn đứng tên làm “chủ tịch” tổ chức cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam”, nhưng thực chất mọi hoạt động đều do Đài trực tiếp điều hành và chỉ đạo. Với bản thân mình, Đài chỉ đề xuất trong vai trò luật sư của cái gọi là “đảng dân chủ 21″ và các tổ chức do Đài và đồng bọn dựng lên. Tuy nhiên, khi cần ra nước ngoài, Đài lại chủ động “đặt vấn đề” với ban tổ chức các cuộc hội thảo do một số tổ chức phi chính phủ chủ trì mời Đài sang với tư cách là “đại diện đảng dân chủ Việt Nam”. Dù “hoạt động” tinh vi tới mức nào và núp dưới vỏ bọc gì thì những thủ đoạn của Đài và đồng bọn cũng không thể qua mắt được quần chúng nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cùng thời gian trên, theo sự “chỉ đạo” của một số cá nhân phản động lưu vong ở nước ngoài như: Vũ Quốc Dụng, Phạm Nam Định, Đoàn Viết Hoạt… và các tổ chức phản động như: “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Họp mặt dân chủ”… để thành lập cái gọi là “Uỷ ban nhân quyền Việt Nam” do Đài đứng đầu, với sự tham gia của Phạm Văn Trội, Bạch Ngọc Dương, Lương Duy Phương. Đài giao cho Lương Duy Phương phụ trách trực tiếp việc liên lạc, tiếp xúc với một số nhân viên cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Công việc cụ thể được Đài giao cho nhóm của Trội, Phương và Dương là: Hằng ngày thu thập những thông tin mà chúng coi là “bằng chứng Việt Nam đàn áp dân chủ, nhân quyền” để “tổng hợp” đưa lên cái gọi là “hãng tin tự do” (FNA) trên mạng internet và hằng tháng gửi “báo cáo” cho các đối tượng phản động lưu vong người Việt. Thực chất, thông qua những “hoạt động” trên, Đài yêu cầu một số đối tượng phản động lưu vong tài trợ cho cái gọi là “Uỷ ban nhân quyền Việt Nam” hằng tháng là 850USD, trong đó Đài và Phạm Văn Trội được hưởng 200USD/người; Lương Duy Phương và Bạch Ngọc Dương: 150USD/người, chi phí văn phòng: 150USD. Như vậy, dù “tiến hành” dưới hình thức nào, kẻ chủ mưu đội lốt “nhà lý luận” cũng không quên lợi ích cá nhân. Đặc biệt, Đài lợi dụng sự bất mãn của một số đối tượng, cũng như lòng tốt của một số người nhẹ dạ để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình đất nước, lôi kéo, kích động hòng hướng họ đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Không chỉ lợi dụng danh nghĩa luật sư, mặc dù gia đình không ai theo đạo, nhưng riêng Đài xin làm tín đồ đạo Tin lành. Đây là quyền tự do tín ngưỡng, hoặc không tín ngưỡng của mỗi công dân Việt Nam đã được pháp luật Nhà nước ta thừa nhận. Khi trở thành tín đồ đạo Tin lành, do có kiến thức về luật, nên Đài được giao giữ chức Uỷ viên pháp chế Hội đồng quản trị sản nghiệp Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Tuy nhiên, do có những hoạt động khuất tất, đi ngược lại những điều răn dạy của giáo hội, mặc dù đã được Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc nhiều lần nhắc nhở, thuyết phục, nhưng bất thành, nên tại phiên họp toàn thể ngày 13-6-2006, Ban trị sự Tổng hội đã quyết định miễn nhiệm chức ủy viên pháp chế Hội đồng quản trị sản nghiệp Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đối với Nguyễn Văn Đài.

Lợi dụng, lôi kéo sinh viên nhẹ dạ

Hòng che đậy những hoạt động đen tối của mình, thực hiện sự “chỉ đạo” của bọn phản động lưu vong người Việt, Đài đã xúc tiến thành lập văn phòng luật sư Thiên Ân. Không giống như các văn phòng luật sư khác, kể từ khi thành lập (2003) cho đến lúc bị bắt, Đài không tham gia bào chữa cho bất kỳ một thân chủ nào. Tuy vậy, Đài vẫn có tiền để hưởng thụ, trả lương nhân viên, chi phí các hoạt động văn phòng và mua sắm trang thiết bị. Thực chất, Đài núp dưới danh nghĩa trưởng văn phòng luật sư Thiên Ân và giám đốc Công ty TNHH tư vấn Việt Luật, để lôi kéo người tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước. Các tổ chức phản động lưu vong đã tài trợ cho hắn triển khai cái gọi là “dự án vì công lý”, hỗ trợ pháp lý cho những người khiếu kiện trong nước. Đài dùng số tiền “kiếm được” từ các tổ chức phản động lưu vong thông qua hình thức hỗ trợ học bổng, tuyên truyền, lôi kéo một số sinh viên ngành luật, nhằm “phát triển lực lượng” đấu tranh lâu dài. Thông qua hình thức này, Đài xúc tiến việc “tuyển chọn” với ý định gửi ra nước ngoài “đào tạo” một số sinh viên, để sau này Đài sẽ dùng làm “hạt nhân” cho việc chống phá ở trong nước. Theo dự định, Đài cùng đồng bọn mỗi năm “mở” từ 3 đến 4 lớp, mỗi lớp khoảng từ 5 đến 7 người. Nội dung “giảng dạy” được Đài và đồng bọn xác định: tập trung giảng dạy cái gọi là “lý luận về dân chủ hoá”, phương pháp lôi kéo, kích động quần chúng, phát triển lực lượng và cách thức phối hợp giữa số chống đối ở trong nước và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài. Toàn bộ các nội dung “giảng dạy”, Đài giao cho một số nhân viên thuộc văn phòng luật sư Thiên Ân soạn thảo, đồng thời có sự “chỉ đạo” và “kiểm duyệt” trực tiếp của Nguyễn Đình Thắng-đối tượng phản động đang sống lưu vong ở nước ngoài-thông qua mạng internet.

Trong đơn tố cáo những hành động dụ dỗ, lôi kéo của Đài và đồng bọn, Đồng Thị G, sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh-Truyền hình 1, gửi cơ quan chức năng đã viết: “Tháng 5-2006, tôi quen Phạm Văn Trội qua internet. Sau đó Trội giới thiệu tôi với Đài. Qua tiếp xúc với Đài, tôi thấy: Đó là một người hay “giảng giải” về dân chủ, nhân quyền; nói xấu chế độ XHCN. Đặc biệt, Đài dùng nhiều lời lẽ hứa hẹn về những chuyến đi học ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài có tài trợ cho sinh viên chúng tôi để nâng cao trình độ. Do nhận thức còn hạn chế, hơn nữa những tưởng lời nói của Đài là sự thật, tôi đã rủ thêm một số bạn đến văn phòng luật sư Thiên Ân. Những lần Đài “thảo luận”, “trao đổi” với chúng tôi thực chất là những buổi rao giảng, xuyên tạc tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”.

Để phục vụ cho mục đích của mình, Đài còn xúi giục một số sinh viên về các địa phương tìm thêm người, vào dịp cuối tuần, tập trung ở văn phòng luật sư Thiên Ân để “bàn thảo” những vấn đề liên quan đến “dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam”. Hành động trên cho thấy, Đài và đồng bọn đã lợi dụng lòng tốt và sự nhiệt tình của một số sinh viên, bằng những lời hứa mỹ miều như: tài trợ đi du học ở nước ngoài; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; tạo cơ hội tìm việc làm ổn định, có thu nhập cao trong các tổ chức nước ngoài… để lôi kéo và tổ chức “đào tạo” ngay tại văn phòng luật sư Thiên Ân. Các hoạt động này có sự tham gia tích cực của Trần Thanh, Phan Sỹ Nguyên, Lê Thị Công Nhân và Vũ Quốc Dụng… Đối tượng mà Đài cùng đồng bọn “ưu tiên” tuyển chọn là các sinh viên ngành luật, truyền thông, báo chí. Kinh phí để Đài “mở lớp đào tạo” do một số nhóm phản động lưu vong ở nước ngoài hỗ trợ thông qua cái gọi là “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ”.

Chống phá, bôi nhọ để nhận tiền

Không chỉ tổ chức kích động, lôi kéo sinh viên và một số người nhẹ dạ, Đài còn nhiều lần “cử” nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân gồm: Trần Thanh, Phan Sỹ Nguyên, Nguyễn Xuân Đệ… đi các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ gặp gỡ một số chức sắc, tín đồ Tin lành cực đoan thu thập “tài liệu” về những cái được chúng gọi là “bằng chứng Việt Nam đàn áp đạo Tin lành” chuyển cho Ngô Thị Hiền-một đối tượng phản động đang sống lưu vong ở nước ngoài và nhân viên một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội sử dụng vào mục đích tuyên truyền, chống phá Nhà nước Việt Nam. Từ các tài liệu mà Cơ quan an ninh thu được cho thấy, Đài khá hào phóng cho việc trả công cho những người đi thu thập “tin tức” hoặc cung cấp “thông tin”. Chỉ tính riêng việc chi trả cho Trần Thanh trong chuyến đi thụ tin ở các tỉnh phía Nam (từ 9 đến 16-11-2006), Đài đã chi hơn 6,3 triệu đồng. Đài cũng nhiều lần trả cho đối tượng có tên là Phùng Quang Lâm mỗi lần 500.000 đồng. Ngoài việc chỉ đạo và tổ chức cho nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân thu thập, tài liệu, móc nối với các phần tử phản động lưu vong, bản thân Đài có mối quan hệ thường xuyên với nhân viên một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội. Mọi thông tin mà Đài cho là có liên quan đến vi phạm “dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam đều được Đài cung cấp ngay cho số nhân viên đại sứ quán này.

Đài còn chỉ đạo các đối tượng như Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Phạm Văn Trội, Lê Thị Công Nhân và một số đối tượng khiếu kiện cực đoan thu thập thông tin, đơn, thư khiếu nại của quần chúng, phát tán lên mạng internet và chuyển cho các tổ chức phản động lưu vong người Việt sử dụng vào mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam. Đài chi trả cho một số đối tượng khiếu kiện như: Dương Đại Dương, Nguyễn Thị Huần… mỗi lần “cung cấp” thông tin và phát tán thông tin lên mạng internet từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Với tư cách “nhà lý luận”, trưởng văn phòng luật sư Thiên Ân Nguyễn Văn Đài đã trả lời phỏng vấn nhiều hãng tin nước ngoài, tham gia “hội thảo” trên mạng internet do bọn phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài tổ chức. Nội dung các bài viết, trả lời phỏng vấn, tham gia “hội thảo” đều nhằm tuyên truyền xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam; phê phán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài tẩy chay hàng hoá Việt Nam; kêu gọi không cho Việt Nam gia nhập WTO và hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ, nếu “không cải thiện về nhân quyền và dân chủ”.

Để duy trì các “hoạt động” tuyên truyền chống phá Nhà nước, Đài thường xuyên nhận sự hỗ trợ về vật chất và lên dây cót về mặt tinh thần của bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch với Việt Nam từ nước ngoài. Đài được nhiều nhóm phản động lưu vong ở nước ngoài tâng bốc đánh giá rằng: “Hoàng Minh Chính chỉ là… viên gạch lát đường, cốt lõi sẽ là thành phần trẻ như Đài”. Đặc biệt, bọn chúng còn cho rằng: “Hoạt động của Đài nằm trong “kế hoạch rộng lớn của phía Tin lành…”. Chúng chỉ đạo Đài xây dựng cái gọi là “ủy ban nhân quyền”, hoạt động cả bề nổi lẫn bề chìm. Theo đó, những đối tượng đã lộ diện tiếp tục hoạt động công khai thách thức với chính quyền; phần chìm là thu thập thông tin, hình ảnh về cái gọi là “vi phạm nhân quyền và dân quyền” chuyển ra nước ngoài. Để thực hiện sự chỉ đạo trên, các tổ chức phản động tài trợ khá nhiều tiền cho các hoạt động chống đối của Đài.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Đài đã nhận được hơn 60.000 USD tiền tài trợ của nhóm Phạm Nam Định và Nguyễn Đình Thắng. Đơn cử như Đài đã được Nguyễn Đình Thắng tài trợ 1819,39USD/tháng bao gồm: Lương của Đài: 700USD/tháng; lương cho nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân: 700 USD/tháng, thiết bị, chi phí văn phòng: 299,39USD/tháng; tài trợ học bổng cho 4 sinh viên luật tổng cộng 120USD/tháng… Sau khi bị bắt, tại Cơ quan An ninh, Đài thừa nhận: “Hằng tháng, trung bình “bên ngoài” gửi cho tôi hơn 1000 USD. Tôi giữ lại phục vụ mục đích tiêu xài cá nhân từ 600 đến 700 USD, số còn lại chi trả lương cho nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân và hỗ trợ một số hoạt động khác”.

Như vậy, trước đây, bọn phản động lưu vong tập trung tung hô Hoàng Minh Chính, coi đây là “con bài chiến lược”, người “đại diện” cho nền dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, thì nay, chúng lại tập trung cho Đài. Thực chất, chiêu bài này cho thấy khi cần, chúng sẵn sàng chi trả và hậu thuẫn ra vẻ hào phóng, nhưng khi không còn phát huy “tác dụng” Đài sẽ lại chỉ là “những viên gạch lát đường” mà thôi. Rõ ràng, Đài chỉ là con bài trong những toan tính vụ lợi của bọn phản động lưu vong. Căn cứ vào những chứng cứ mà cơ quan chức năng thu giữ cho thấy, phần lớn số tiền có được từ sự “tài trợ” của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, Đài đã dành chi tiêu cá nhân. Việc chi trả lương cho các nhân viên của văn phòng luật sư Thiên Ân, cùng các khoản chi phí hỗ trợ cho các đối tượng khác chỉ chiếm một phần nhỏ.

“Buộc án, gán tội” để lừa gạt

Trong số đồng bọn của Nguyễn Văn Đài thì Trần Khải Thanh Thủy là một trong những trợ thủ đắc lực nhất. Ngày 21-4-2007, sau khi có đầy đủ chứng cứ về hành vi phạm tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, theo điều 88-Bộ luật Hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Khải Thanh Thủy. Đúng thời điểm bị các chiến sĩ an ninh bắt giữ, Thủy đang phát tán 30 bài viết có nội dung chống Đảng, chống Nhà nước, xuyên tạc, vu cáo các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta. Thủy là đối tượng chuyên sử dụng “kỹ năng” của mình vào việc lừa gạt, vụ lợi. Những năm qua, đã có không ít người dân nhẹ dạ vô tình đã trở thành nạn nhân của nữ quái Trần Khải Thanh Thủy. Sinh năm 1960 tại Hà Tây, trú tại số 16, ngách 670/25 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, Thủy đã từng là giáo viên, rồi phóng viên một số tờ báo, nhưng do thiếu đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật công tác nên đã bị các cơ quan kỷ luật và sa thải.

Sau nhiều lần bị kỷ luật và buộc thôi việc, Thuỷ đã bộc lộ tư tưởng bất mãn, tỏ thái độ đồng tình với một số cá nhân có quan điểm sai trái, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, lợi ích nhân dân. Thuỷ cấu kết với một số đối tượng như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Dương Thu Hương… sưu tầm, phát tán nhiều tài liệu chống phá Nhà nước ta. Ngày 21-10-2002, Cơ quan An ninh đã bắt quả tang Thuỷ đang phát tán 90 trang tài liệu có nội dung phản động. Khám nhà đối tượng, Cơ quan An ninh còn phát hiện và thu giữ 89 đầu tài liệu gồm hơn 2500 trang đều mang nội dung phản động.

Mặc dù đã nhiều lần được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân gặp gỡ, giáo dục, răn đe, nhưng với bản chất ngông cuồng, ngoan cố, lại được sự tiếp tay, cổ vũ của các đối tượng phản động trong và ngoài nước, núp dưới danh nghĩa “nhà báo”, Thuỷ đã sử dụng nhiều bút danh khác nhau như: Nguyễn Thái Hoàng, Võ Quế Dương, Phạm Xuân Mai… để “soạn thảo” khoảng 190 bài viết có nội dung xuyên tạc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền phát tán lên mạng Internet và chuyển cho bọn phản động người Việt lưu vong. Để có được những “tư liệu” phục vụ cho mục đích của mình, Thuỷ đã mạo danh phóng viên báo Phụ nữ, lợi dụng sự cả tin, tính thật thà của một số người dân đang gặp phải những vướng mắc trong cuộc sống chưa được chính quyền cơ sở giải quyết kịp thời để lừa gạt họ cung cấp thông tin. Từ những thông tin thu được, Thuỷ viết bài bôi nhọ bản chất của chế độ xã hội ta. Trong đơn tố cáo, nhiều người dân cùng ký tên gửi Cơ quan An ninh viết: “… Do biết một số người có những vấn đề bức xúc chưa được chính quyền cơ sở giải quyết, nên khoảng đầu tháng 4-2005, một phụ nữ đến gặp chúng tôi và tự giới thiệu là “nhà văn, nhà báo” có tên là Trần Khải Thanh Thuỷ, ở Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội. Thuỷ còn cho chúng tôi số điện thoại, địa chỉ nhà riêng và mời bà con ai muốn viết bài kêu oan thì đến nhà riêng Thuỷ sẽ giúp. Chúng tôi nghĩ đây là “người tốt”, muốn giúp đỡ bà con, đâu ngờ, những bài Thủy viết, mỗi sự việc cụ thể mà chúng tôi cung cấp đều bị lợi dụng, để vu khống, bịa đặt, “buộc án, gán tội”. Trong các bài viết đó, Thuỷ dùng những câu từ phản động để nói xấu Đảng, Nhà nước ta. Nội dung các bài viết của Thuỷ hoàn toàn sai sự thật. Chúng tôi cho rằng, đó là hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, phải nghiêm trị thích đáng. Cùng là phụ nữ Việt Nam, cùng nòi giống con Lạc cháu Hồng, nhưng Thuỷ táng tận lương tâm, lừa gạt bà con. Chúng tôi vô cùng phẫn nộ trước những hành vi sai trái của Thuỷ, đã lợi dụng sự đau khổ để vu khống, gán ghép, chà đạp nhân phẩm của chúng tôi…”.

Đặc biệt, Thuỷ đã lợi dụng danh nghĩa của nhiều người dân, viết bài xuyên tạc tình hình đất nước, phát tán lên mạng Internet, kích động người dân khiếu kiện, gây rối, biểu tình chống chính quyền để nhận tiền “tài trợ” của các tổ chức phản động lưu vong. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ cuối năm 2005 đến khi bị bắt, Thuỷ đã nhận được 12.350 USD, 200EUR và 400 đô-la Ô-xtrây-li-a từ các cá nhân, tổ chức phản động người Việt lưu vong. Thuỷ luôn mồm rêu rao: Dùng số tiền trên để “hỗ trợ” cho một số người dân đi khiếu kiện và cung cấp “thông tin” cho các bài viết của mình, nhưng thực chất sử dụng phần lớn để tiêu xài cá nhân. Điều này cũng được thể hiện rõ trong đơn tố cáo mà nhiều người dân gửi đến Cơ quan An ninh: “… Chúng tôi được biết, sau mỗi lần “bán mình cho quỷ dữ”, Thủy kiếm được khá nhiều tiền. Trước khi “moi” tin từ chúng tôi, Thuỷ luôn nói: Nhận được tiền “tài trợ” sẽ hỗ trợ cho bà con đi khiếu kiện, đòi lại “công bằng” cho chính mình. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có khoảng vài chục người được Thuỷ cho tiền, mỗi lần từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng…”.

Được sự “cổ vũ”, kích động của các cá nhân, tổ chức phản động người Việt lưu vong, Thuỷ ngày càng hoạt động trắng trợn, bộc lộ rõ thái độ chống đối, phủ nhận những thành tựu đổi mới của đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Để trở thành kẻ “nổi tiếng”, Thủy còn ngang nhiên thách thức chính quyền bắt và xử lý. Thủy ảo tưởng rằng, càng bị cơ quan chức năng bắt và xử lý thì càng nhận được nhiều tiền từ các cá nhân, tổ chức phản động.

Không chỉ viết bài xuyên tạc tình hình đất nước, Thuỷ còn đứng ra thành lập cái gọi là “Hội dân oan Việt Nam”. Thực chất đây chỉ là cách để Thuỷ nhận được nhiều tiền từ các nhóm phản động, thu lợi cá nhân. Theo tài liệu mà Cơ quan An ninh thu được, Thuỷ đã nhận được 1.600USD và 400 đô-la Ô-xtrây-li-a tiền “tài trợ” của các cá nhân, tổ chức phản động gửi về nhằm “duy trì hoạt động” cái gọi là “Hội dân oan Việt Nam”. Để tránh sự phát hiện của Cơ quan An ninh, Thủy “đề nghị” các nhóm phản động gửi tiền về qua địa chỉ trung gian của một số người thân. Khi những người từng bị Thủy lừa gạt tỏ thái độ nghi ngờ, phản đối hành động ăn chặn, ngay lập tức bị Thuỷ lăng mạ, khủng bố, thậm chí đe dọa, hành hung. Ngay cả đối tượng cơ hội chính trị như Nguyễn Khắc Toàn cũng cho rằng: “Hội dân oan” của Thuỷ là “hội” ảo được thành lập để trục lợi cá nhân và đề nghị các cá nhân, tổ chức bên ngoài không tiếp tục gửi tiền cho Thủy…

Từ tháng 9-2006, Thủy còn “tích cực tham gia” các diễn đàn chống phá Nhà nước ta trên mạng Internet theo sự chỉ dẫn của Nguyễn Văn Đài. Hàng chục lần trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin của bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch bên ngoài, Thuỷ đều bộc lộ rõ quan điểm, tư tưởng chống đối, vu cáo Việt Nam đàn áp những người được chúng gọi là “nhà dân chủ” ở trong nước, kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII. Điển hình là ngày 11-3-2007, trong khi một số đối tượng của cái gọi là “đảng Việt tân” và các tổ chức phản động lưu vong khác tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa, Thuỷ đã điện thoại đến cổ vũ, kêu gọi người Việt ở nước ngoài “đoàn kết” với cái gọi là “phong trào dân chủ” ở trong nước để “lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam”, kêu gọi biểu tình, gây áp lực cao hơn nữa…

“Thiêu thân” mù quáng
Sinh ngày 23-7-1979 tại Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, năm 2 tuổi Lê Thị Công Nhân không may phải chịu cảnh bố mẹ chia tay. Lên 5 tuổi, Nhân theo mẹ ra Hà Nội sinh sống. Mặc dù kinh tế gia đình lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực, Nhân đã tu chí học hành và thi đỗ vào Trường đại học Luật Hà Nội. Ra trường năm 2001, Nhân tiếp tục theo học và được cấp bằng luật sư. Chỉ sau thời gian ngắn Nhân đã trở thành nữ thư ký của bộ phận quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Luật sư Hà Nội. Do chạy theo những ảo tưởng viển vông, cùng sự lôi kéo, dụ dỗ của Đài, Lê Thị Công Nhân đã trở thành phần tử nòng cốt, giúp sức đắc lực cho số đối tượng cầm đầu chống đối Nhà nước ta, đi ngược lại lợi ích dân tộc như Nguyễn Văn Lý (đối tượng lợi dụng tôn giáo ở Huế hoạt động vi phạm pháp luật, vừa bị TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế tuyên phạt 8 năm tù giam) và Nguyễn Văn Đài.

Tài liệu của Cơ quan An ninh thu được cho thấy: Lê Thị Công Nhân là một trong những kẻ đầu tiên ký tên ủng hộ cái gọi là “Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006” và tham gia “khối 8406” do Nguyễn Văn Lý cầm đầu. Tiếp đó, Nhân còn xin đăng ký gia nhập cái gọi là “Đảng thăng tiến Việt Nam” và xung phong làm người phát ngôn của đảng này. Trước khi cái gọi là “Đảng thăng tiến Việt Nam” được “công bố thành lập” trên mạng Internet, theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Đài, Nhân đã trực tiếp vào Huế gặp Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào để họp “thảo luận”, “chỉnh sửa” nội dung bản “dự thảo cương lĩnh tạm thời” và đưa ra “quyết định” tuyên bố công khai tổ chức này trên mạng Internet vào ngày 8-9-2006. Tại “cuộc họp” trên, nhóm phản động đã thống nhất phân công chính thức cho Lê Thị Công Nhân là “phát ngôn viên” của cái gọi là “Đảng thăng tiến Việt Nam”. Ngoài ra, thị còn tự nguyện tham gia cái gọi là “liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam” (tổ chức do bọn phản động lưu vong người Việt và các phần tử chống đối trong nước móc nối thành lập trên mạng Internet). Nhân cũng có tên trong “ban cố vấn” của cái gọi là “Hội oan dân Việt Nam” do Trần Khải Thanh Thủy đứng đầu.

Với vai trò của mình, bằng những kiến thức đã học được và ảo vọng viển vông, Nhân mù quáng lao vào các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam XHCN. Cũng như Nguyễn Văn Đài, Nhân trực tiếp viết nhiều bài xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; lôi kéo, dụ dỗ một số sinh viên và những kẻ khiếu kiện cực đoan để “phát triển lực lượng”; soạn thảo tài liệu và trực tiếp “giảng dạy” ngay tại văn phòng luật sư Thiên Ân. Từ tháng 12-2006 đến tháng 2-2007, Nhân cùng Đài đã lôi kéo một số thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ và những người khiếu kiện nhiều lần tụ tập tại văn phòng luật sư Thiên Ân để tuyên truyền cái gọi là “giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta “đàn áp dân chủ, nhân quyền”; đòi “phải sớm thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng ở nước ta…”. Những hoạt động này thực chất là một bước cụ thể hóa cái gọi là “dự án thúc đẩy, gây men dân chủ” của bọn phản động lưu vong người Việt… Không dừng lại, Nhân còn thường xuyên liên lạc trực tuyến và trả lời phỏng vấn nhiều tờ báo điện tử, đài phát thanh có thái độ thù địch với Việt Nam ở nước ngoài; tập trung tuyên truyền mục tiêu, cương lĩnh, phương thức đấu tranh, điều lệ hoạt động của cái gọi là “Đảng thăng tiến Việt Nam”; cung cấp thông tin xuyên tạc tình hình đất nước; vu khống Nhà nước Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp những người bất đồng chính kiến”. Nguy hiểm hơn, Nhân cùng đồng bọn dự định kêu gọi một số phần tử chống đối trong nước, thực hiện cái gọi là “Ngày toàn dân mặc áo trắng ủng hộ dân chủ” vào các ngày 1 và 15 hằng tháng; tẩy chay cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII…

Ngày 3-2-2007, Lê Thị Công Nhân đã bị Cơ quan An ninh phát hiện và bắt quả tang khi đang tuyên truyền xuyên tạc tình hình đất nước cho một số thanh niên, sinh viên, tại văn phòng luật sư Thiên Ân. Tại Cơ quan An ninh, Nhân đã thừa nhận những việc làm vi phạm pháp luật theo sự chỉ đạo của Đài và các phần tử phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài. Nhân đã mở lớp và trực tiếp đứng ra tuyên truyền về cái gọi là “giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền” theo kiểu phương Tây tại văn phòng luật sư Thiên Ân. Hành động này của Nhân không ngoài mục đích đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin, lôi kéo họ vào những hoạt động chống phá Nhà nước.

Vạch rõ bộ mặt thật

Trước hành động trắng trợn xâm phạm lợi ích quốc gia, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng dân tộc mà Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và đồng bọn đã thực hiện, dư luận nhân dân hết sức phẫn nộ. Tối 8-2-2007, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và nhân dân trong phường đã tổ chức hội nghị nhân dân để đấu tranh với những quan điểm sai trái, những hành động có tính chất phản động của Nguyễn Văn Đài và đồng bọn. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các đoàn thể chính trị-xã hội và đông đảo nhân dân trong phường. Theo ông Lý Văn Tiến, đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bách Khoa và cũng là người chủ trì hội nghị, thì đây là một cuộc họp công khai, với mục đích rất rõ ràng, nhằm chỉ ra những hành động sai trái của Nguyễn Văn Đài, để Đài thấy được lỗi lầm của mình mà thành tâm hối cải. Thế nhưng, Đài đến hội nghị với thái độ hết sức ngạo mạn, tỏ ý coi thường những người có mặt. Trong khi đó nhiều người trong hội nghị đều đáng tuổi ông bà, tuổi cha mẹ của Đài.

Đã có hàng chục ý kiến phát biểu trong hội nghị, tập trung phân tích những hành động sai trái của Đài cùng đồng bọn như Lê Thị Công Nhân, Phạm Văn Trội, Nguyễn Phương Anh, Trần Khải Thanh Thuỷ… Nhưng tất cả những ý kiến nêu ra, Đài đều phủ nhận với thái độ thách thức, hỗn láo. Qua cuộc họp cũng cho thấy, nhân dân không hề mơ hồ trước âm mưu cơ hội chính trị và đều nhận rõ chân tướng của Đài và đồng bọn.

Chiều 18-4-2007, chúng tôi có mặt tại phường Bách Khoa và một lần nữa được chứng kiến thái độ bất bình của nhân dân trước hành động vi phạm pháp luật của Đài cùng đồng bọn. Bác Nguyễn Hồng Ba, trú tại tổ 12, cụm 3, phường Bách Khoa cho biết:

– Tôi đã ngoài 70 tuổi, Đài chỉ là bậc con cháu. Mặc dù không ở sát nhà Đài, nhưng tôi biết, Đài được sinh ra trong một gia đình cán bộ công chức, bố mẹ cũng đã có những cống hiến nhất định. Bản thân Đài được hưởng những thành quả mà Đảng, cách mạng đã mang lại. Lẽ ra với những gì được hưởng, Đài phải biết ơn, trân trọng và cống hiến sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng đất nước. Nhưng ngược lại, Đài đã cấu kết với những phần tử xấu, có tư tưởng phản động, lợi dụng kêu gọi “thực hiện quyền dân chủ” để mưu toan phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Hành động này của Đài và những kẻ a dua không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng đã có không ít kẻ “liếm gót ngoại bang”, cam chịu làm tay sai cho đế quốc. Những tên “Việt gian” ấy đã bị nhân dân và pháp luật trừng trị thích đáng. Đó là bài học cho những kẻ như Đài cần phải thấu hiểu. Tuy nhiên, Đài và đồng bọn đã cố tình “đi theo vết xe đổ”. Chúng tôi không bao giờ tin những kẻ như Đài lại có đủ trình độ để “lãnh đạo” mấy cái “tổ chức” mà tự anh ta cùng những kẻ a dua nặn ra, chứ đừng nói là làm lợi cho dân, cho nước. Tôi nghĩ, Đài chỉ như một con rối trong tay những kẻ lưu vong, nhưng lại mang trong mình tham vọng đến mức ngông cuồng về mưu đồ chính trị. Những kẻ như Đài cần phải nghiêm trị bằng pháp luật, chứ không thể dừng ở mức giáo dục thuyết phục”.

Bác Lê Thị Hồng Hảo, trú tại nhà K9, cụm 7, phường Bách Khoa cũng tham dự hội nghị nhân dân phường tổ chức ngày 8-2-2007. Khi gặp chúng tôi, nhắc lại chuyện đó, bác vẫn chưa hết bất bình: “Tôi là một người dân trong phường, không có hiềm khích cá nhân gì với Đài. Vì thế trong hội nghị, tôi cũng như nhiều người khác đã phân tích cho Đài hiểu tính ưu việt của chế độ xã hội ta và quyền dân chủ mà Đảng, Nhà nước đã đem lại cho nhân dân, trong đó có cả gia đình Đài. Thế nhưng, thái độ của Đài trong hội nghị nhân dân hôm ấy là thái độ của một kẻ vô văn hoá, thậm chí là vô học. Đài vừa ngông cuồng, vừa cơ hội, không xứng đáng là thành viên của Hội luật sư Hà Nội nói riêng và các tổ chức khác của xã hội ta nói chung. Tôi cũng hiểu rằng, với mưu đồ đen tối và bản chất của một kẻ cơ hội như Đài cùng đồng bọn thì chúng không bao giờ nhận ra, hoặc là chúng sẽ cố tình không nhận ra những tiến bộ về dân chủ mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang đem lại cho nhân dân. Đài đã lợi dụng một vài vụ việc mang tính đơn lẻ để quy kết thành những vấn đề mang tính tổng thể, rồi nói vống lên rằng “xã hội mất dân chủ, mất công bằng”.

Bác Hảo cũng như nhiều bà con khu dân cư cho rằng, việc Đài đã lừa phỉnh, dụ dỗ một số học sinh, sinh viên đến văn phòng của mình để truyền bá, tiêm nhiễm những quan điểm mang tính phản động là một hành vi nguy hiểm cần phải nghiêm trị. Việc cơ quan chức năng bắt giữ, khởi tố Đài và những kẻ tòng phạm như Lê Thị Công Nhân là việc làm đúng, được nhân dân rất ủng hộ. “Quốc có quốc pháp, gia có gia phong”, ở bất kỳ đất nước nào cũng thế, kẻ nào đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc thì nhất định phải bị nghiêm trị.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, bác Võ Ngọc Tặng ở tổ 14, cụm 3, phường Bách Khoa cũng cho rằng: Hành động của Nguyễn Văn Đài cho thấy, hắn đã cấu kết khá chặt chẽ với những đối tượng có tư tưởng phản động trong và ngoài nước, để làm những việc có hại cho đất nước, nhân dân. Tôi cho rằng, khi nhận tiền tài trợ của nước ngoài, chắc chắn Đài cũng hiểu được những việc mình đang làm. Thế nhưng, một phần vì tham tiền, phần vì có những tham vọng chính trị ngông cuồng, nên ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Thật tiếc cho những người không nhận ra chân tướng của Đài, đã a dua theo hắn, xuyên tạc sự thật, phủ nhận thành quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã hy sinh bao xương máu mới xây đắp được.

Bác Lý Văn Tiến, người chủ trì hội nghị nhân dân ngày 8-2-2007 cho biết:

– Đài được nuôi ăn, học tử tế, lại được hưởng nhiều ưu ái mà xã hội, gia đình đem lại như tiêu chuẩn ưu tiên trong học tập, đi nước ngoài… Thế nhưng Đài đã không đền đáp những ưu ái ấy mà ngược lại, đã tráo trở “lấy ân làm oán”, tìm mọi phương cách nói xấu Đảng, chế độ, xuyên tạc, bôi nhọ sự thật. Xem xét hành vi của Đài, tôi thấy anh ta đã phạm tội một cách cố ý, thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Không thể coi Đài là một kẻ “trẻ người non dạ”, bởi Đài đã gần 40 tuổi, hiểu cặn kẽ và làm chủ được những hành vi của mình. Những hành động của Đài như: tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu chế độ, lôi kéo, dụ dỗ người khác cùng phạm tội, cấu kết, móc nối với các tổ chức phản động trong và ngoài nước… đều đã được Đài tính toán kỹ lưỡng và còn hy vọng lên làm “thủ lĩnh”. Bản chất những hành động của Đài là cơ hội chính trị đã đến mức phản động, không thể áp dụng biện pháp giáo dục, xử lý thông thường mà phải nghiêm trị bằng pháp luật…

Trả giá và kết cục tất yếu

Sắp tới, Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cùng đồng bọn sẽ bị đưa ra xét xử công khai trước pháp luật với bản án thích đáng dành cho những kẻ cố tình tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của công dân. Với những tham vọng ngông cuồng, lại được xúi bẩy, kích động từ những kẻ có dã tâm phản động, nên đầu óc chúng đã u mê, mờ mắt vì tiền bạc và ảo ảnh quyền lực. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những kẻ xâm phạm lợi ích của Nhà nước cũng chính là chống lại lợi ích của nhân dân, tất yếu sẽ bị nhân dân lên án và pháp luật trừng trị. Đó là cái giá, là kết cục tất yếu mà những kẻ ngông cuồng, mù quáng, vị kỷ như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy… và đồng bọn phải gánh chịu.

LÊ NGỌC LONG và TRẦN ANH TUẤN