“Hội đồng công luật công án Bia Sơn”: Lố bịch và phạm pháp

Với nhiều người, ngay cái tên dài dòng của tổ chức ấy – nghe đã thấy nực cười rồi, chứ chẳng cần nói đến mục tiêu hoạt động “vô tiền khoáng hậu” mà Hội đồng công luật công án Bia Sơn miết mải hướng tới. Công an tỉnh Phú Yên đã sớm phát hiện, theo dõi và thực hiện kế hoạch triệt phá tận “hang ổ” của tổ chức quái gở này.

Mờ ám và ảo vọng

“Hội đồng công luật công án Bia Sơn” có tiền thân là tổ chức “Ân đàn đại đạo” (thành lập năm 1975) do Phan Văn Thu (SN 1948, ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cầm đầu. Sau khi tổ chức này bị đập tan, Phan Văn Thu bị đưa đi tập trung cải tạo, đến năm 1976 thì y trốn trại, sau đó bị bắt trở lại. Sau đó Phan Văn Thu ra trại, vào Đồng Nai sinh sống năm 1984 và đổi tên là Trần Công.

Khu du lịch sinh thái Đá Bia

Từ năm 2004 đến 2011, dưới cái tên Trần Công, y tạo dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia, lấy nơi đây làm sào huyệt chỉ huy hoạt động để bí mật phát triển tổ chức phản động có danh xưng là “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. Tổ chức này được y phát triển ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với trên 300 đối tượng tham gia, trong đó có cả một số Việt kiều. Ở mỗi tỉnh, thành tổ chức này hình thành các chân rết với hình thức “pháp hội” với âm mưu chính là lật đổ chính quyền, phá hoại thành quả xây dựng, đường hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Trần Công đã sáng lập ra cái gọi là “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, với cơ cấu tổ chức do y cầm đầu, bên dưới có tổng trưởng các ban và các pháp hội địa phương. Trong đó có Ban đối nội do Võ Thành Lê (SN 1955, trú ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) làm trưởng ban, Ban giám tra, ban hành luật do Tạ Khu làm trưởng ban, Ban đối ngoại do Vương Tấn Sơn làm trưởng ban, Ban tổ chức nghi lễ do Lê Phúc (SN 1951, ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) làm trưởng ban, Ban hoằng pháp do Nguyễn Kỳ Lạc (trú khu phố Triều Sơn Đông, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) làm trưởng ban, Ban khoa giáo do Lê Duy Lộc (SN 1956, quê ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) làm trưởng ban, Ban tài chính do Lê Duy Lộc làm trưởng ban, Ban an ninh, hồng vệ pháp do Trần Phi Dũng làm trưởng ban, Ban đời sống do Võ Thị Hạnh làm trưởng ban.

Trần Công và các “cộng sự” đã vận động được trên 300 đối tượng tham gia. Bọn chúng chủ trương áp dụng phương thức “bất chiến tự nhiên thành”, cốt sao lôi kéo ngày càng đông số người tham gia vào tổ chức.

Chế tác “truyền thuyết” nhảm nhí

Trần Công cùng các “cộng sự” của mình đã thêu dệt truyền thuyết về Cao Biền của Trung Quốc khi xưa đã từng đặt chân tới khu vực núi Đá Bia thấy đây là vùng đất địa linh, có Thánh địa mạch Rồng sẽ sinh ra nhân tài, hào kiệt nên đã yểm huyệt Mạch Kim Ngưu nhưng chưa yểm xong thì bị giết chết, chôn ở Long Thủy. Theo bộ sấm Thái Ất Thiên Cơ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ có nhân kiệt là Kim Ngưu phá điền giáng trần có tên Trần Công với sự nghiệp phá điền, xuất bất chiến tự nhiên thành, sau cùng sẽ lập một quốc gia mới.

Phan Văn Thu – cầm đầu tổ chức

Trần Công cho rằng, mình là nhân vật chính trong sấm truyền vì Trần Công là người ăn nhai lại, có bao tử hai ngăn tức Âm dương bào tạng tướng, là Kim Ngưu, trong tay có chữ Hán Vương, có chân mạng Thiên tử làm vua, hiện đang thuyết (sáng tạo) được Cửu kinh Minh triết (xưa nay chỉ có Phật Di Lặc mới thuyết được Cửu kinh), sáng tạo ra chủ thuyết Công bản, Cương lĩnh Công luật Đại hóa toàn cầu. Đây là chủ thuyết mới, tiên tiến nhất. Ai theo Trần Công sẽ được giải thoát, có công đức lớn và sẽ có sự nghiệp lớn sau này.

Công án (nhiệm vụ) của Trần Công được gọi là “Công án Bia Sơn” chính là Công án xuất bất chiến tự nhiên thành. Chủ thuyết Công bản được hiểu Công là chung, Bản là gốc, gốc của cái chung tức là sự công bằng cho cái chung. Ai đi theo y, nghe được lời, học được kinh triết cũng đều được giải thoát. Ai cùng làm sự nghiệp và đi theo Trần Công thì sẽ được chia ban bằng sự nghiệp. Ai cúng dường cho Trần Công là có được công đức rất lớn, sẽ được trả gấp trăm lần. Ai chối bỏ Trần Công là vì nghiệp quá nặng, phải rơi vào địa ngục. Ai phản thì người đó phải chết, ai cản trở việc làm thì người đó phải bị điên. Ai phụ tá đến ngày Trần Công ra công chức sẽ được rất nhiều ân sướng.

Một hình thức khác để lôi kéo, ru ngủ mọi người tham gia vào “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, Trần Công đã tổ chức thuyết giảng, tuyên truyền “Cửu kinh Minh triết” với nhiều nội dung mơ hồ như: “Thống thức chân quang kinh”, “Hệ thống kinh quỹ bát đoạn”, “Chân tính ánh sáng bất đoạn sát na trong hệ thống Tam thiên Đại thiên thế giới”, “Nguyên lý pháp tính bất diệt”… Hàng ngày, buổi sáng từ 4 đến 5 giờ 30, buổi chiều từ 18 đến 21giờ, Trần Công trực tiếp thuyết giảng tại Khu nhà hàng Kim Việt để lôi kéo mọi người tham gia.

Trần Công cũng tự đặt cho mình các pháp danh như: Tôn Luân, Kim Ngưu phá điền, Ngọc đảnh, Ngọc Phật, Chơn đảnh quang minh, Chơn đảnh Minh sỹ, Tâm Linh, Thành Tâm, Đức Quang Minh, Ngọc đảnh Đại hóa Ứng thân Phật… Tuy nhiên, “ông Phật” này có đến 5 bà vợ và rất nhiều con cháu.

Cơ ngơi của “Kim Ngưu phá điền”

Công an đọc lệnh bắt Lê Đức Động

Khu du lịch sinh thái Đá Bia – chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long có tổng diện tích 48,1ha được bao bọc bởi rừng cấm Đèo Cả, có địa hình phức tạp. Bên trong khuôn viên là quần thể hơn 60 công trình kiến trúc được xây dựng rải rác trên các triền núi. Để tạo vỏ bọc trá hình, Trần Công đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc kiên cố với những cái tên khá mỹ miều như Động Bích Lạp, Động Tam Thanh, Động Đại Bi, Ngọc Động, Thạch Linh cung, nhà hàng Hoàng Trang… Tại mỗi công trình này, các đối tượng trong tổ chức vừa sử dụng làm nơi ở, vừa lấy đó làm nơi làm việc, tổ chức các hoạt động và cất giữ tài liệu. Trong “căn cứ” đó Lê Duy Lộc được trang bị đầy đủ điện thoại không dây, máy tính xách tay kết nối 3G, đầu ghi đĩa DVD để phục vụ cho việc soạn thảo văn bản, in đĩa hình cho tổ chức và liên lạc qua Internet với các cá nhân trong và ngoài nước.

Còn khu vực quần thể động Tam Thanh là nơi sinh sống của cả gia đình Lê Đức Động – Phó ban Hồng vệ pháp. Trần Công lựa chọn Ngọc Động là nơi đắc địa để ẩn náu, sinh sống với vợ nhỏ và hoạt động.

Vải thưa che mắt thánh

Mặc dù núp bóng kinh doanh Khu du lịch sinh thái Đá Bia, song mọi hoạt động của tổ chức này vẫn không thể lọt qua tai mắt của quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh trên địa bàn. Sau một thời gian xây dựng chuyên án đấu tranh một cách kỹ lưỡng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an Phú Yên đã thành lập Chuyên án C611, thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội của tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. 6 giờ ngày 5/2/2012, tại trụ sở công an tỉnh, trưởng ban chuyên án đã ra lệnh xuất phát. Đúng 6h45, các lực lượng nghiệp vụ Công an Phú Yên, hơn 200 chiến sĩ đã đồng loạt tấn công vào trung tâm chỉ huy hoạt động của tổ chức chính trị phản động này – Khu du lịch sinh thái Đá Bia.

Công an đọc lệnh bắt Lê Duy Lộc

Rất nhanh gọn, lệnh bắt, khám xét được nhanh chóng tiến hành đối với các đối tượng Lê Duy Lộc, Võ Thành Lê, Lê Phúc, Lê Đức Động. Trước đó, vào lúc 2h, lực lượng an ninh điều tra phối hợp với các lực lượng khác cũng đã bắt giữ Trần Công (tức Phan Văn Thu) cùng với lái xe kiêm vệ sĩ của Công là Lê Trọng Cư (SN 1966, trú ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) khi y đang trên đường từ Bình Định trở về Khu du lịch sinh thái Đá Bia. Qua khám xét, Công an Phú Yên đã thu giữ hàng trăm tập tài liệu thể hiện nội dung cương lĩnh hoạt động của tổ chức, 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, trên 12.000USD, gần 190 triệu đồng tiền Việt Nam và một số phương tiện hoạt động khác.

Tính đến ngày 12/2, Cơ quan An ninh đã bắt 14 đối tượng trong Hội đồng công luật công án Bia Sơn trong đó có: Nguyến Kỳ Lạc, Đoàn Đình Nam, Vũ Ngọc Cự, Vương Tấn Sơn, Trần Phi Dũng, Đoàn Văn Cư và Trần Quân.

Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân” với các đối tượng trên. Việc điều tra, hoàn chỉnh các thủ tục tố tụng để đề nghị truy tố, xét xử theo pháp luật đang được tiếp tục triển khai.

Tùng Lâm