Trí Thức & Phản Biện

LTS: Nói rằng một người có cặp mắt sáng có thể lái xe ban đêm giỏi, nhưng không thể căn cứ vào tài lái xe ban đêm để đo lường độ sáng của cặp mắt. Cũng vậy, phản biện có thể là một trong những hành vi mà một trí thức có thể làm, nhưng không thể là một định nghĩa cho trí thức. Nhất là gặp gì cũng phản biện, phản biện số 2 thành số 7, phản biện cho màu đỏ thành màu đen,… thì nhất định không phải là phản biện. Đành rằng, một khi có được những phản biện có giá trị, điều đó sẽ làm cho xã hội tiến bộ hơn; nhưng nếu cho đó là nhiệm vụ của “trí thức”, sẽ trở thành hàm hồ. Thái độ “gom về mình”, để được mặc áo trí thức mỗi khi khi phản biện, thì lại càng không nên là hành vi của một trí thức.

Nếu cứ nhất định qui kết trách nhiệm của trí thức là phải phản biện, thì xem ra hơi động chạm đến hơn tỷ rưỡi con chiên trong giáo hội Vatican, vì như thế, có nghĩa là không có một tín đồ nào của Giáo Hội Vatican được gọi là trí thức, ngoại trừ những vĩ nhân của Phong Trào Lý Trí, biết phản biện lại Giáo Hội, như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Diderot, Montesquieu,… và nhiều danh nhân khác trong các thế kỷ kế tiếp. (SH)

Gần đây, trong bài “GS Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai” được phổ biến trên vài diễn đàn thông tin, trong đó GS Ngô Bảo Châu có nói về vấn đề “trí thức và nhiệm vụ phản biện xã hội”.  Trước câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?” GS Ngô Bảo Châu nhận định như sau:

“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.

Và trước câu hỏi:

– Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?

GS Ngô Bảo Châu đã trả lời:

Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.

— )o( —

Giáo sư Ngô Bảo Châu là Giáo sư Toán có tầm vóc quốc tế, cho nên ý kiến của ông ta có sắc thái chính xác của toán học, nhưng một số người với đầu óc nặng về thiên kiến chính trị nên đã lên tiếng phê bình.  Do đó mới có chuyện lạ lùng: “cộng đồng mạng xôn xao vì lời phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu về vai trò phản biện của trí thức.”  Tại sao lại có chuyện xôn xao trong khi Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói lên rõ ràng thế nào là vai trò của trí thức trong vấn đề “phản biện xã hội”. Đọc những lời “xôn xao” (Trí thức, phản biện, và Ngô Bảo Châu) chúng ta thấy chúng phát xuất từ những suy diễn lệch lạc và cảm tính cá nhân hơn là hiểu biết.

Theo Phan Bạch Quán (PBQ) thì:

“Những ý kiến phản đối Ngô Bảo Châu cho rằng lời tuyên bố trên của ông sẽ là cái cớ khiến cho nhiều người có chuyên môn, bằng cấp, học vị càng thấy họ đúng khi giữ thái độ thờ ơ trước hiện tình nguy khốn của đất nước, nói nôm na là làm cho đám “trí thức trùm chăn” càng có cớ để trùm chăn kỹ hơn nhưng vẫn vênh mặt tự hào mình là giới trí thức.

[Đây chỉ là một khẳng định vô trách nhiệm (affirmation gratuite) dựa trên suy diễn và cảm tính cá nhân chứ không dựa trên một căn bản nào có thể thuyết phục người đọc.  Hiện tình nguy khốn của đất nước là nguy khốn như thế nào?  Thế nào là “trí thức trùm chăn”, không phản biện là “trùm chăn”?  Không làm loạn là trùm chăn? Không chống đảng là trùm chăn.?  Không tranh đấu cho dân chủ “made in America”, trong khi chẳng hiểu thế nào là dân chủ là trùm chăn?  Không biểu tình chống Tàu là trùm chăn? Không theo lề là “trùm chăn”?  GS Ngô Bảo Châu đã từng phát biểu: bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do .”  TCN]

Trong những ý kiến phê bình Ngô Bảo Châu, tôi đồng ý nhất với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (khi trả lời phỏng vấn của BBC) nên xin được trích dẫn ra ở đây:
“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết.

[Phải chăng trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của trí thức chỉ là chức năng phản biện ?  TCN]

Nếu anh cặm cụi với chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội. Mà hướng dẫn cộng đồng, tất nhiên là anh phản biện.”

[Phải chăng phản biện là phương sách duy nhất để dẫn dắt xã hội, hướng dẫn cộng đồng? Đây là định nghĩa của “trí ngủ”, ngủ mê trong sự hạn hẹp, chứ không phải là trí thức. TCN]

..Khi nói tới “phản biện xã hội ” thì ai ai cũng hiểu đó là “phê bình những chính sách do Đảng đề ra”, nôm na là “lên tiếng cãi lại Đảng”.

[Thật là rõ ràng, “phản biện xã hội” chỉ là để chống đáng, cãi đảng, còn trong mọi lãnh vực xã hội khác thì không cần phản biện. TCN]

Thu hẹp trí thức vào chức năng phản biện trong khi chức năng của trí thức thì đa dạng, và với sự hiểu biết của họ, với kiến thức chuyên nghiệp, họ có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn là lao mình vào lãnh vực phản biện, nhất là khi họ không có đủ thông tin, không có sự hiểu biết sâu rộng và chính xác về vấn đề, thì đó chỉ là một quan niệm cá nhân, là văn hóa chỉ đạo.  Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu một chút về trí thức và phản biện.

Thế Nào Là Trí Thức?

Trước khi nói về trí thức chúng ta cần có một định nghĩa thế nào là trí thức.  Một định nghĩa tổng quát về trí thức là người dùng sự thông minh của mình, nghĩa là một đầu óc bao gồm nhiều khả năng có liên hệ với nhau, thí dụ như khả năng lý luận, dự kiến, giải quyết vấn đề, suy tư trừu tượng, thấu hiểu các ý tưởng, dùng ngôn ngữ để phát biểu, và học hỏi v..v..  Theo định nghĩa này thì người trí thức có thể nói là người có khả năng hiểu biết đúng về một lãnh vực nào đó, không nhất thiết phải có bằng cấp cao.

Tuy nhiên, trong những định nghĩa hiện đại, người ta thường phân biệt ba loại trí thức khác nhau:

– những người để tâm trí vào những ý tưởng, sách vở, và sử dụng đầu óc;

– những người thuộc lớp có nghề nghiệp như giáo sư, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, khoa học gia v..v..; và

– những “trí thức văn hóa” [cultural intellectuals] chuyên gia về văn hóa, nghệ thuật v..v.. có thẩm quyền trình bày lãnh vực của họ trước quần chúng.

Để cho xứng đáng được gọi là trí thức, ngoài kiến thức rộng về ngành chuyên môn của mình, người trí thức cần có hai đức tính: lương thiện và đạo đức.  Người Việt Nam thường không mấy kính trọng những kẻ “hữu tài nhưng vô hạnh”.

Vì định nghĩa của trí thức rộng như vậy, cho nên mỗi người đóng góp cho xã hội tùy theo hoàn cảnh, quan điểm cá nhân và khả năng của mình.  Điều hiển nhiên là không có một trí thức nào có thể bao quát được mọi vấn đề trong xã hội, họ chỉ có thể đóng góp cho xã hội trong lãnh vực chuyên môn của họ, đi ra ngoài lãnh vực mà họ không nắm vững thì họ trở thành một anh thợ giầy mà lại cứ muốn đi lên trên nơi giầy dép.

Trong một xã hội, nếu những nhà trí thức làm đúng nhiệm vụ của mình trong lãnh vực chuyên môn của mình và luôn luôn học hỏi thêm để trau dồi kiến thức chuyên môn, thì đó là một xã hội đáng sống trong đó rồi.  Một bác sĩ làm sao chữa tốt cho bệnh nhân và dạy cho họ biết phòng bệnh thì tốt hơn là chữa bệnh, một giáo sư làm sao dạy cho học sinh, sinh viên hiểu vấn đề và khuyến khích óc sáng tạo của con em, một kỹ sư nghĩ ra một kỹ thuật mới v…v…, đó chính là nhiệm vụ hướng dẫn và dẫn dắt xã hội. Chuyện chính trị để cho các chính trị gia lo, chuyện luật pháp để cho các luật sư lo, chuyện xã hội để cho các nhà xã hội học lo v…v…., và những người này có thể có những đề nghị hay phản biện để cải tiến xã hội. Ngoài lãnh vực chuyên môn của mình, nếu mình quan tâm đến và có hiểu biết về một vấn đề xã hội nào đó, thì mình có thể tham gia giúp ích cho xã hội theo khản năng của mình, có thể là giúp ý kiến, có thể là phê bình, có thể là phản biện v…v…Nhưng không thể có một khuôn mẫu chung cho trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của trí thức.

Do đó, những người đặt vấn đề là trí thức nói chung phải có trách nhiệm phản biện, phải hướng dẫn cộng đồng, phản biện xã hội là chức năng của trí thức v…v… là không hiểu rõ thế nào là một trí thức, không đánh giá đúng vai trò của trí thức, vì họ chỉ sống và hiểu trong khung cảnh trí thức hạn hẹp của chính mình.

Người trí thức mà viết, hoặc hành động theo lề, theo những khuôn mẫu thời thượng của những gì người khác muốn và ra ngoài lãnh vực chuyên môn hay sự hiểu biết của mình về vấn đề thì không còn là trí thức nữa.  Do đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói rất đúng: Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Vì  mọi tầng lớp dân chúng có hiểu biết đều có thể phản biện, phản biện không phải là chức năng riêng và duy nhất của trí thức.

Thế Nào Là “Phản Biện”?

Sau khi biết thế nào là “trí thức”, chúng ta cũng cần biết thế nào là “phản biện”. Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án v..v.. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ. Phản biện có một mục đích rõ ràng là bác bỏ, bác bỏ vì không đúng, vì sai lầm.   Chống đối, không đồng ý, hay góp ý kiến thì không phải là phản biện.  Cho nên GS Ngô Bảo Châu có đưa ra nguyên tắc phản biện:

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. ..cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục.

Làm sao có thể đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục.  Chỉ có thể như vậy nếu nắm vững vấn đề muốn phản biện và có đủ lý luận để bác bỏ.  Đây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lãnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, những lãnh vực mà nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp, và đầy đủ thông tin hơn cá nhân.  Trong những lãnh vực như trên, người trí thức chỉ có thể lên tiếng phê bình phân tích và đưa ra những đề nghị xây dựng theo sự hiểu biết của mình, chứ không thể phản biện để bác bỏ.  Có nghe theo hay không là thuộc về chính quyền và chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước quốc dân về những quyết định của mình.

Tôi xin lấy một thí dụ.  Nước Mỹ là nước được cho là dân chủ nhất thế giới, dù chính sách đối ngoại của Mỹ không có gì là dân chủ.  Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị  bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote). Năm 2000, trong cuộc bầu cử Tổng Thống, Al Gore được nhiều phiếu của dân chúng hơn, những Bush vẫn thắng vì được nhiều phiếu của các dân cử.  Đây không hẳn là dân chủ theo nghĩa “thiểu số phục tùng đa số”. Nhiều trí thức Mỹ cũng đã lên tiếng phê bình vấn nạn này.  Chính quyền Bush tạo ra những thông tin ngụy tạo về Iraq để có cớ xâm lăng Iraq, người dân cũng chỉ có thể phản đối hay biểu tình chống chiến tranh, nhưng không thể phản biện.  Và chiến tranh Iraq đã tốn mấy ngàn nhân mạng lính Mỹ, vài trăm tỷ đô-la, vài trăm ngàn người Iraq, cuối cùng thì Mỹ cũng rút quân để lại không biết bao nhiêu là hệ lụy cho Iraq.

Lượm lặt trên Internet những lời “xôn xao” tôi thấy có vài nhận định nghiêm chỉnh như sau:

☞ nguoivehuu:   Đọc kỹ, Ngô Bảo Châu không hề nói sai điều gì. Và, trên hết, tại sao người ta cứ tìm cách định nghĩa lại “trí thức”- một danh từ, làm gì? Trí thức là người có học, được học về một vài ngành nào đó, thế thôi. Giới ấy (trí thức) cũng có từ thượng vàng tới hạ cám (từ lưu manh tới danh giá) như bao giới (công, thương, nông) khác.
“Lao động trí óc”, nếu cần để gọi việc làm của họ – giới trí thức- là thế, và “sảm phẩm” của quá trình lao động ấy là các công trình ở mọi ngành khoa học, trong ấy sẽ có cả khoa học xã hội. Những thành quả ấy có khi là những phát minh mới hay những công trình phản biện, mà ngay cả phát minh cũng đã có tính phản biện, nó phản biện những cái cũ, cái chưa đúng, cái không còn đúng … Vậy thì tay NBC mong trí thức có những công trình nghiêm túc, chất lượng chả có gì đáng phàn nàn và đem mổ sẻ luận chữ kiểu CCRĐ mà dư luận đang rộ lên đấu tố anh ta cả. Nói như anh ta bao trùm hơn, chứ không cần chăm bẳm vô mỗi cái phản biện xã hội mà mọi người làm như phải nói tới cụm từ ấy mới là “dấn thân” hay gì gì nữa … Khiếp thật.

☞ Felix Nguyen: Từ lâu tôi đã có quan điểm nhất quán là người có sở học và đóng góp những thành tựu trong lĩnh vực chuyên môn của mình bất kể tính đạo đức của ông ta. Về quan điểm này tôi cảm thấy tôi rất gần với quan điểm về trí thức của Gs Ngô Bảo Châu. Thế nhưng đây chỉ là vấn đề về gọi tên. Nghĩa là nếu ai có đóng góp thành tựu trí tuệ của mình thì đều được gọi là trí thức dù ông (bà) ta có phản biện hay không.

Còn lại phần lớn là những suy diễn hạn hẹp cá nhân, thiếu hiểu biết, lạc đề, và không tránh được những luận điệu chụp mũ và chống Cộng. Đây không phải là những lời “xôn xao” trí thức mà chỉ là những luận điệu phát xuất từ tâm cảnh chống Cộng, hay nói đúng hơn chống tất cả những gì mà họ cho là có liên hệ tới, hay làm lợi cho CS.  Những lời “xôn xao” như vậy thì người trí thức không cần phải quan tâm, và tôi tin rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng bao giờ quan tâm.

Sau đây là vài trích dẫn điển hình với vài lời ghi bên cạnh của tôi:

▶ PBQ:  Trong quá khứ Ngô Bảo Châu cũng đã hai lần tham gia “cãi Đảng”, một là vụ khai thác bô xít Tây Nguyên, hai là vụ kết án Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Chính vì thế câu trả lời của ông lần này khiến nhiều người bị sốc, sốc đến mức có người còn cho rằng Ngô Bảo Châu “đổi chiều” chỉ vì ông đã được dúi cho căn nhà trị giá 2 tỷ (VN), và mới đây, được hứa cho ngân sách 600 tỷ để hoạt động Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán mà Gs Ngô Bảo Châu làm giám đốc.

[Ngô Bảo Châu đã  từng là giáo sư đại học Paris-6 11, đại học Princeton, và hiện nay là giáo sư đại học Chicago.  Không phải ai cũng có được một danh vị như vậy. Ông ta về làm việc ở Việt Nam trong một thời gian ngắn để giúp Việt Nam thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán làm nền tảng nghiên cứu khoa học cho Việt Nam vì toán có liên hệ tới nhiều bộ môn khoa học khác,  đặc biệt là kỹ thuật, chứ không phải vì một căn nhà trị giá 2 tỷ đồng Việt Nam hay một quỹ phát triển 600 tỷ đồng Việt Nam. Quỹ phát triển là để phát triển, với sự tham gia của rất nhiều người và với nhiều chương trình, có cơ quan phụ trách duyệt, kiểm soát v…v… không phải để cho Giáo sư Châu bỏ túi tiêu một mình. Tôi không biết nhà của Giáo sư Châu ở Mỹ trị giá bao nhiêu, nhưng nếu có chắc chắn không phải là một ngôi nhà trị giá 2 tỷ đồng Việt Nam, nghĩa là khoảng 100000 đô-la, trừ khi ông ta thuộc lớp người ABC, không có nhà đi ở thuê.  TCN]

▶ PBQ:  Một điểm nữa làm cư dân mạng sôi sục là vì cái giọng kẻ cả của ông giáo sư toán như trong câu: “Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội”, hay: “Cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục”. Ngô Bảo Châu đang muốn khuyên răn ai đây? Từ trước tới giờ người ta thấy chỉ có Đảng mới là không tỉnh táo và không bao giờ đưa ra được những lập luận nào vững chắc hay có tính thuyết phục cả.

[Đây không phải là để khuyên răn bất cứ ai.  Đây chỉ là nhận định, qua sự hiểu biết của mình, về vấn đề phản biện. Đó là điều kiện cần và đủ để cho một phản biện có giá trị và có kết quả. Ở đây, Đảng có liên quan gì đến nhận định của Giáo sư Châu.  Muốn chống Cộng, hãy đi chỗ khác, đây không phải chỗ. TCN]

▶ PBQ:  Nhiều chuyên gia đã dám công khai chống lại đường lối sai lầm của Đảng, một số đã bị bắt, trong đó có Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Trần Quốc Hiền, Phạm Minh Hoàng, v.v…

[Có gì liên quan đến nhận định của Giáo sư Châu về trí thức và phản biện?  Đi chỗ khác mà tranh đấu cho “dân chủ”. TCN]

▶ PBQ:   Khi đất nước còn đang trong cơn hỗn loạn, dân tộc tan tác và giặc ngoài đe dọa thì làm sao một người may mắn được học hành hơn người có thể ngồi yên và chỉ biết cặm cụi với chuyên môn.

[Nước nhà đang hỗn loạn vì cảnh kẹt xe (!); dân tộc tan tác trên các chuyến du lịch (!) khắp nơi, trong các tiệm ăn, trong các trung tâm du hí v…v…; giặc ngoài (ở đâu, ở trong nước, ở Mỹ, Úc hay ở Ải Nam Quan?); Aux armes !! Trí Thức ! Đừng có ngồi yên.  Hãy xuống đường giải thể CS, hay vác búa, kìm và xà beng lên Ải Nam Quan và ra Biển Đông thắp nến cầu nguyện chống Tàu.  TCN)

 Sông Saigon

Ảnh 1: kẹt xe – Ảnh 2: Sông Saigon, một trong những nơi du lịch hấp dẫn

Khán giả cuồng nhiệt ủng hộ ban nhạc BlueXmas đêm 24/12/2011

Ảnh 3: Khán giả cuồng nhiệt ủng hộ ban nhạc trình diễn đêm 24/12/2011

▶  Trường hợp ông Đoàn Văn Vươn… (Lạc đề, irrelevant)

▶  Các nhà khoa học được coi là Trí thức hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả.

Các nhà khoa học nào và họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào.  Ai có đủ trình độ và tư cách để đánh giá một khoa học gia là trí thức hay không.  Phải chăng tiêu chuẩn của trí thức phải là dấn thân trong cộng đồng và xã hội nhiều khi chỉ là theo lề hoặc theo mốt thời thượng về dân chủ.  Tôi nghĩ đến Galileo Galilei, Charles Darwin, Einstein, Stephen Hawkings, Carl Sagan và cả trăm trí thức nổi danh khác, không hiểu họ nổi danh và được cả thế giới kính phục vì những kết quả nghiên cứu của họ hay là vì họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội.  TCN]

1: 2: 3: 4:

1. Charles Darwin 2. Einstein 3. Stephen Hawkings 4. Carl Sagan

▶ PBQ: Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính.

[Lại là một khẳng định vô trách nhiệm dựa trên suy diễn và cảm tính cá nhân.  TCN].

▶ – Việc nhà nước Việt Nam vinh danh Giáo sư Châu là “động thái chính trị hơn là một hành động thể chế hóa chính sách trọng dụng trí thức.

[Giải thưởng Fields năm 2010 và gần đây, huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp do Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy gắn tặng đã vinh danh GS Châu, và mấy trường đại học lớn nổi tiếng ở Pháp và Mỹ đều trọng dụng Ngô Bảo Châu.  TCN]

— o0o —

Trên đây là vài lời “xôn xao” về những ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu về trí thức và phản biện.  Đọc những lý luận và nhận định của họ chúng ta thấy rõ là họ rất thiếu hiểu biết, không nắm vững vấn đề, suy diễn sự việc theo cảm tính cá nhân và khuynh hướng chính trị tiêu cực đối với Việt Nam.  Họ không đưa ra bất cứ một lý luận nào để phân tích những lời phát biểu của Giáo sư Châu là đúng hay sai, và nếu sai thì sai ở chỗ nào.  Tất cả chỉ là phê bình chỉ trích dựa trên cảm tính cá nhân và suy diễn lệch lạc, ngoài đề.

Tôi có cảm tưởng là đối với họ, phản biện có nghĩa là phải chống đảng, cãi đảng, bất kể đó là vấn đề gì của đảng, đúng hay sai.  Họ không cần để ý là số trí thức mà họ gọi là “nằm vùng” về giúp nước càng ngày càng nhiều và phần lớn là những bậc khoa bảng có danh vị ở ngoại quốc.

Trong khi đó thì đám người chống Cộng và chống luôn cả nước Việt Nam thì ở hải ngoại, không kể những con chiên nghiện đạo trong tập đoàn Ca-tô như Nguyễn Gia Kiểng, Lữ Giang, Chu Tất Tiến, Nguyễn Văn Lục v..v…, quanh đi quẩn lại chỉ có những người như Ngô Kỷ, Lý Tống, vài anh HO và vài văn sĩ quèn, còn ở trong nước thì không ngoài Nguyễn Văn Lý, Cù Huy Hà Vũ, Lê Thị Công Nhân…, những nhân vật nổi tiếng nhưng không phải là những khuôn mẫu trí thức để cho những người hiểu biết noi theo.

Ngày nay mà họ vẫn còn chống Cộng bằng những luận điệu lố bịch nhất hành tinh như: Việt Nam là nước nghèo khổ nhất, Việt Cộng tàn ác sát hại nhân lành, Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, không bao giờ về VN khi còn Việt Cộng, Việt Nam không có tự do tôn giáo, cộng với chiến thuật “mách bu” qua những thỉnh nguyện thư lên Tổng Thống, ngoại trưởng, dân biểu Mỹ, quốc hội Âu Châu  v…v…  Chẳng trách là đã 36 năm qua, họ chẳng đạt được một kết quả khả quan nào.

Ai bảo chống Cộng là dễ? Không ! Chống Cộng khó lắm chứ.

Giáo sư Trần Chung Ngọc